Giới thiệu về huyết thanh miễn dịch

Nguyên lý sử dụng huyết thanh

     Dùng huyết thanh miễn dịch là đưa vào cơ thể kháng thể có nguồn gốc từ người hay động vật, giúp cho cơ thể có ngay kháng thể đặc hiệu chống lại tác nhân gây bệnh.

huyết thanh miễn dịch


Nguồn kháng thể

Bào chế từ huyết thanh động vật

     Đầu tiên, động vật được tiêm vacxin, sau đó chúng có thể được tiêm chính vi sinh vật gây bệnh để kích thích sản xuất kháng thể mạnh mẽ hơn. Khi hiệu giá kháng thể trong huyết thanh đạt mức cao nhất, thì lấy máu để lấy huyết thanh đem bào chế.

     Ngày nay, việc sử dụng huyết thanh động vật ngày càng giảm đi vì tỷ lệ gây ra phản ứng cao hơn hẳn so với kháng thể được sản xuất từ huyết thanh người.

Bào chế từ huyết thanh người

Globulin miễn dịch bình thường

     Globulin miễn dịch bình thường được bào chế từ huyết thanh người khỏe mạnh hoặc từ máu rau thai. Mỗi lần được bào chế từ hàng nghìn mẫu huyết thanh, do đó không có sự khác nhau đáng kể về hiệu giá kháng thể giữa các lần sản xuất.

Globulin miễn dịch đặc hiệu

     Globulin miễn dịch đặc hiệu được bào chế từ máu của những người mắc bệnh nhiễm trùng đã khỏi, hoặc từ máu của những người khỏe mạnh mới được tiêm chủng tăng cường. Trong globulin miễn dịch đặc hiệu, nồng độ kháng thể chống lại một loại vi sinh vật cụ thể (đặc hiệu), thường cao gấp hàng chục lần trong globulin miễn dịch bình thưòng.

Các phản ứng do tiêm huyết thanh

     Nói chung loại globulin miễn dịch có nguồn gốc từ người đã được tinh chế cao và đưa vào cơ thể bằng đường tiêm bắp ít gây ra các phản ứng nguy hiểm. Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng, tỷ lệ phản ứng do tiêm huyết thanh cao hơn nhiều so với phản ứng do tiêm chủng vacxin. Những phản ứng khi tiêm huyết thanh do hai cơ chế chính:

1) do cơ thể phản ứng với các thành phần kháng nguyên lạ, nhất là đối với các huyết thanh chưa được tinh chế cao;

2) do cơ thể sản xuất kháng thể chống lại chính globulin miễn dịch.

Phản ứng tại chỗ

     Nơi tiêm có thể bị đau, mẩn đở. Những phản ứng này thường nhẹ, không gây nguy hiểm và sẽ hết sau một ít ngày.

Phản ứng toàn thân

     Bệnh nhân có thể bị sốt, rét run, khó thở, đau các khớp; một số trường hợp có thể bị nhức đầu và nôn. Sốc phản vệ là phản ứng nguy hiểm nhất. Nếu tiêm huyết thanh lần đầu, phản ứng thường xuất hiện sau 10 đến 14 ngày. Nếu tiêm huyết thanh lần thứ hai, phản ứng có thể xảy ra ngay sau khi tiêm đến sau một vài ngày, tuỳ thuộc vào lượng kháng thể do cơ thể sinh ra ởlần tiêm trước còn nhiều hay ít.

     Các triệu chứng của sốc phản vệ như khó thở do phù nề đườnghô hấp trên và co thắt thanh quản; ngứa toàn thân; nổi mày đay và ban sần khắp người; sưng mắt. Bệnh nhân có thể đau bụng và bí đái do các cơ trơn bị co thắt.

     Ngoài ra còn gặp các triệu chứng do phức hợp kháng nguyên kháng thể đọng lại trong các tiểu động mạnh như viêm cầu thận, viêm cơ tim, van tim, viêm khớp…

Đọc thêm tại

0 nhận xét:

Đăng nhận xét